Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng về quản lý hành lang an toàn đường bộ, thu phí tự động không dừng 

Thứ năm, 06/08/2020 15:09
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 3/8/2020, Bộ GTVT đã có Văn bản số 7549 /BGTVT-KCHT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóaXlV.

Cụ thể, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 223/BDN ngày 15/6/2020, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri phản ánh hiện nay nhiều tuyến đường qua đô thị và ngoại thị của các tuyến quốc lộ trên toàn quốc đã và đang xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý hành lang an toàn đường bộ (vi phạm về phạm vi đất của đường bộ, về mở rộng địa giới khu vực nội thành, nội thị; các đường từ nhà ở nối vào quốc lộ; về đấu nối đường nhánh; về bảo đảm giao thông và an toàn giao thông khi thi công trong phạm vi bảo vệ đang khai thác,...), gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ, không gian kiến trúc cảnh quan chung khu vực và dự kiến phát triển mở rộng các tuyến nêu trên. Đề nghị Bộ GTVT kiểm tra làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu và giải pháp cụ thể khắc phục tồn tại, hạn chế vi phạm tại các tuyến quốc lộ trong thời gian tới.

Cử tri tiếp tục phản ánh tiến độ dự án thu phí tự động không dừng của các trạm thu phí trên cả nước đến nay vẫn chưa hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là trước 31/12/2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu phí dịch vụ sử dụng theo hình thức điện tử tự động không dừng. Đề nghị Bộ GTVT nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu và giải pháp, lộ trình cụ thể để hoàn thành.

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã quan tâm, đóng góp về lĩnh vực quản lý và bảo trì đường bộ, nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT trả lời như sau:

Đối với kiến nghị về quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ:

Theo phản ánh của cử tri, công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ nói riêng và các tuyến đường bộ nói chung hết sức phức tạp do liên quan đến quyền sử dụng phần đất thuộc phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (trong đó gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ). Do yếu tố lịch sử, đặc điểm xã hội, tập quán dân cư có tư tưởng “nhất cận thị, nhì cận giang, ...” dẫn đến tình trạng dân cư sinh sống bám dọc các tuyến đường bộ, đặc biệt là các tuyến quốc lộ, dẫn đến tình trạng vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương còn buông lỏng công tác quản lý đất đai, cấp phép các khu dân cư, khu đô thị bám dọc các tuyến quốc lộ, cấp sổ đỏ trong đất hành lang an toàn đường bộ không theo quy hoạch, vi phạm các quy định của pháp luật gây bức xúc dư luận, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ.


Ảnh minh họa

Để khắc phục tình trạng nên trên, thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN quyết liệt triển khai trong những năm qua. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ đòi hỏi nguồn kinh phí quá lớn (theo thống kê năm 2016, kinh phí dự kiến là 129.277,65 tỷ đồng), nên chưa triển khai được do chưa được bố trí nguồn kinh phí. Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp xử lý các vi phạm hành lang an toàn đường bộ, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tình hình tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương) trong những năm vừa qua.

Để thực hiện tốt các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên hệ thống quốc lộ trong thời gian tới, Bộ GTVT có ý kiến như sau:

Các cấp chính quyền địa phương thực hiện đúng quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ mà pháp luật về giao thông đường bộ và đất đai đã quy định; thực hiện đầy đủ trách nhiệm về công tác tuyên truyền, xử lý các vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ; chủ động phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm.

Yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN tiếp tục đẩy mạnh công tác lập lại trật tự công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó có hành lang an toàn đường bộ hiện đang triển khai ra quân trên các tuyến quốc lộ, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý triệt để các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh.

Đề nghị chính phủ quan tâm, bố trí kinh phí giải tỏa hành lang an toàn đường bộ tại các vị trí ảnh hưởng đến an toàn giao thông (các điểm đen, điểm mất ATGT, nút giao có công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ gây mất ATGT).

Từ 11/8, chính thức thu phí không dừng tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Đối với đề nghị về tiến độ thực hiện thu phí không dừng:

Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại Văn bản số 2972/BGTVT- ĐTCT ngày 31/3/2020, trong đó đã nêu rõ nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; đã thực hiện kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân của các cơ quan đơn vị liên quan trong việc chậm triển khai Dự án thu phí đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng; đồng thời, Bộ GTVT đã chỉ đạo xây dựng các giải pháp và lộ trình thực hiện để đảm bảo mục tiêu cơ bản hoàn thành trong năm 2020.

Ngày 17/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, trong đó yêu cầu cụ thể về tiến độ thực hiện như sau: a) Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay việc thu phí điện tử không dừng; b) Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang hoạt động, chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng theo quy định của Quyết định này.

Hiện nay, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu và Tổng cục Đường bộ VN phải quyết liệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020, đảm bảo tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên hệ thống quốc lộ phải hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng trước 31/12/2020.

Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.

Cổng TTĐT Bộ GTVT
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)